Các loại mã vạch phổ biến và cách đọc mã vạch
Các loại mã vạch phổ biến
Nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất sử dụng nhiều dạng mã vạch khác nhau vào sản phẩm tùy vào mục đích, dung lượng thông tin cũng như dạng thức thông tin được mã hóa. Những dạng thức barcode chúng ta thường xuyên bắt gặp có thể kể đến là UPC, EAN hay Code 39. META sẽ giới thiệu tới bạn cụ thể những loại mã vạch phổ biến, thường được các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng cho các sản phẩm trên thị trường hiện nay:
UPC (Universal Product Code)
UPC là một dạng thức ký hiệu được mã hóa sử dụng phổ biến tại Mỹ, Canada và một vài quốc gia khác trên thế giới. UPC bao gồm 2 phần: Phần mã vạch với hình ảnh là các đường thẳng song song với độ lớn khác nhau dành cho máy quét; phần số gồm một dãy số có 12 số được dùng để con người nhận biết. Phần số không bao gồm chữ cái hoặc các ký tự đặc biệt. Mục đích của UPC là để phân biệt từng loại sản phẩm khác nhau, thuận tiện cho việc xuất nhập và quản trị kho hàng.
Phần số của mã vạch UPC được quy ước như sau:
- Số đầu tiên nằm trong phạm vi từ 0 đến 7, mỗi con số đã được quy định sẵn gồm: Số 5 là dành cho phiếu coupons, số 4 dành cho người bán lẻ; số 3 dành cho các mặt hàng có liên quan tới y tế; số 2 dành cho mặt hàng thịt và nông sản; số 0, 6 và 7 có thể dùng cho tất cả các loại hàng hóa khác của nhà sản xuất.
- 5 con số tiếp theo biểu trưng cho mã của nhà sản xuất, được cơ quan có thẩm quyền cấp số.
- 5 con số kế tiếp là mã mặt hàng. Đây là phần do người bán tự gắn lên hàng hóa của họ. Doanh nghiệp được tùy ý đặt số và sử dụng.
- Số cuối cùng là số kiểm tra, được dùng để kiểm tra tính chính xác của toàn bộ dãy số UPC.
EAN (European Article Number)
EAN là dạng thức ký hiệu có hình thức tương tự như UPC với phần mã vạch và phần số. Mã EAN phổ biến với các quốc gia tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Mã EAN-13 (chứa 13 con số) được sử dụng rộng rãi hơn cả, trong khi mã EAN-8 hay EAN-5 thường dùng cho các gói hàng nhỏ. Ý nghĩa của phần số trong mã EAN-13 có thể được giải thích như sau:
- 3 con số đầu tiên là mã quốc gia. Mã quốc gia của Việt Nam là 893.
- 9 con số kế tiếp được chia làm 2 phần: Mã nhà sản xuất được cơ quan có thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp, gồm từ 4 đến 6 ký tự số; mã mặt hàng do doanh nghiệp tự gắn lên hàng hóa của họ, gồm các ký tự số còn lại.
- Số cuối cùng là số kiểm tra, được dùng để xác thực tính chính xác của toàn bộ dãy số EAN.
Code 39
Code 39 (còn được gọi là mã vạch 39) là dạng thức ký hiệu có phần mã vạch cùng phần chữ và số dùng để biểu thị các thông tin về sản phẩm. Loại hình mã vạch này cho phép hiển thị cả chữ cái, số và một vài ký hiệu đặc biệt (tối đa 39 ký tự) nên có thể chứa dung lượng thông tin nhiều hơn dạng thức UPC hay EAN. Điều này giúp Code 39 được sử dụng rộng rãi trong ngành bán lẻ, sản xuất, bưu chính, giao nhận hàng hóa... Đặc điểm của mã vạch 39 là:
- Loại mã vạch này cho phép sử dụng các ký tự bao gồm: Số tự nhiên từ 0 đến 9, chữ cái Latinh in hoa từ A đến Z, các ký tự đặc biệt gồm - . $ / + % và khoảng trắng.
- Code 39 hỗ trợ nội dung tối đa tới 39 ký tự, người sử dụng hoàn toàn có thể thay đổi độ dài của mã vạch một cách linh hoạt.
- Mã vạch 39 được các doanh nghiệp sử dụng chủ yếu trong quản lý kho, dùng để định danh từng mặt hàng cụ thể.
Ngoài ra, ta còn có thể bắt gặp những loại barcode khác như: Code 128 (tương tự Code 39 nhưng cho phép sử dụng số lượng ký tự nhiều hơn); Interleaved 2 of 5 (không giới hạn số lượng ký tự số nhưng không cho phép sử dụng ký tự chữ); các loại mã 2D như mã xếp chồng (Code 16K, Code 49...), mã ma trận (QR Code, PDF417, Data Matrix...).
Cách đọc, quét mã vạch
Bạn có thể dễ dàng tra cứu các thông tin về sản phẩm từ barcode thông qua máy quét mã vạch (còn có tên gọi khác là đầu đọc mã vạch, máy đọc mã vạch). Ngoài ra, một số ứng dụng trên các thiết bị di động có thể được sử dụng để đọc các loại mã vạch cơ bản